7 lỗi cần tránh khi viết thư cảm ơn

23/04/2019

Một bức thư cảm ơn sau phỏng vấn khẳng định lại một lần nữa rằng bạn rất quan tâm đến vị trí ứng tuyển và cho phép bạn nhắc lại rằng bạn là người tốt nhất cho công việc. Tuy nhiên, bạn phải làm điều đó một cách đúng đắn thì hiệu quả này mới phát huy tác dụng.

Hãy chắc chắn rằng bạn không vuột mất cơ hội của mình bằng cách tránh các lỗi phổ biến sau đây.

Chờ quá lâu để gửi

Bạn nên cố gắng gửi lời cảm ơn trong vòng 24 giờ sau cuộc phỏng vấn hoặc cùng ngày với buổi gặp mặt. Các nhà tuyển dụng thường đưa ra quyết định khá nhanh, vì vậy bạn cần chắc rằng họ nhận được lời cảm ơn trước khi các cánh cửa cơ hội của bạn đóng lại.b

Viết một nội dung chung chung

Gửi một lá thư cảm ơn chung chung cũng giống như gửi một thư xin việc chung chung, nó khiến bạn trở nên nhàm chán và không nổi bật. Tệ hơn là nó không có hiệu quả nhắc nhở nhà tuyển dụng rằng bạn là ai và tại sao họ nên tuyển dụng bạn. Hãy tận dụng tối đa thư cảm ơn của bạn. Cá nhân hóa nó để cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến cơ hội việc làm này.

Phớt lờ các lỗi chính tả

Nếu email cảm ơn của bạn có lỗi chính tả hoặc ngữ pháp, điều này có thể khiến người quản lý tuyển dụng đặt câu hỏi về sự chú ý của bạn đến chi tiết. Do đó, hãy chắc chắn rằng bạn kiểm tra kỹ lưỡng và đừng chỉ dựa vào việc bật chế độ kiểm tra chính tả, thay vào đó, hãy nhờ một người đáng tin cậy để giúp bạn điểm qua tất cả. Một lá thư chỉn chu về câu chữ và cách diễn đạt thể hiện sự tôn trọng đối phương cũng là minh chứng cho thấy sự cẩn trọng của bạn dành cho công việc sắp tới.

Lấy mẫu thư có sẵn trên mạng hoặc của người khác

Đây là điều tối kị khi viết thư cảm ơn gửi tới nhà tuyển dụng. Đừng nghĩ rằng chỉ cần lên mạng tải về một bức thư có sẵn, thay tên đổi họ rồi gửi đi là xong. Nhà tuyển dụng dễ dàng nhận ra mẫu thư này. Qua đó, họ có thể cho rằng bạn là người lười biếng, thiếu sáng tạo và tất nhiên không ai đánh giá cao một nhân viên như vậy. Tốt nhất, dù không không hoàn hảo, nhưng một bức thư do chính bạn tự viết từ trong trường hợp thực tế của mình sẽ dễ dàng thuyết phục hơn.

Đính kèm các lời mời kết bạn trên mạng xã hội

Xây dựng các mối quan hệ là điều tốt nhưng hành động này cần diễn ra ở đúng thời điểm và không gian thích hợp – và thư cảm ơn của bạn không phải là một trong số đó. Hãy đợi cho đến khi bạn nhân được lời mời làm việc chính thức, đến khi đó bạn có thể bắt đầu gửi lời mời kết bạn với nhà tuyển dụng trên các mạng xã hội.

Đưa ra nhận xét tiêu cực về bất cứ điều gì

Hãy thể hiện thái độ tích cực và chuyên nghiệp của bạn. Đừng phàn nàn hoặc đưa ra các lời bình luận về bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì, ngay cả việc đi lại. Trong tương lai, bạn có thể quyết định rằng việc đi lại rất khó khăn và bạn không thể đối mặt với nó mỗi ngày. Hoặc nếu cho rằng đó không phải là công việc thực sự phù hợp, bạn có thể thương lượng làm việc tại nhà hoặc tìm ra các lựa chọn khác – sau khi nhận được lời mời làm việc chứ không phải là trong thư cảm ơn sau phỏng vấn.

Chỉ gửi lời cảm ơn đến 1 người trong khi đã gặp gỡ 3 người

Nếu bạn được phỏng vấn bởi nhiều người trong buổi gặp mặt, hãy sẵn sàng viết những email cảm ơn riêng biệt để gửi đến những người phỏng vấn khác nhau. Việc gửi cùng một thông điệp đến nhiều người khác nhau thể hiện sự lười biếng và khiến bạn trông thật “xấu xí”. Những người tham gia phỏng vấn thường chia sẻ các ghi chú về ứng viên với nhau và họ sẽ đánh giá bạn thấp hơn vì đã gửi cùng một lá thư cho tất cả.

Hãy xem lời cảm ơn sau phỏng vấn là một cơ hội để kết nối lại với nhà tuyển dụng, xây dựng mối quan hệ với những người bạn đã gặp và tạo ấn tượng đẹp đối với họ. Tránh được những sai lầm phổ biến này và bạn sẽ tiến một bước gần hơn đến với cơ hội nhận được lời mời làm việc từ công ty yêu thích.

Longhaiplaza.com

Để gửi bình luận bạn vui lòng nhập các thông tin bên dưới.

Tin liên quan

Thong ke